"Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm
Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này."
Cách đây 68 năm (10/10/1954 - 10/10/2023), thủ đô Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng, sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
1. Bối cảnh lịch sử
Vào năm 1954, ngay sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết và lệnh đình chiến ở Đông Dương có hiệu lực. Nhờ quá trình đấu tranh sôi nổi, vào ngày 30/09/1954 và ngày 02/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương, Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập và chính thức tiếp quản thành phố Hà Nội theo nghị quyết ngày 17/09/1954.
Tuy nhiên, các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội vẫn phải hết sức cảnh giác với các âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Vào sáng ngày 08/10/1954 các đơn vị quân đội ta chia nhiều đường bắt đầu tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sau đó đến ngày hôm sau, quân ta đã tiến vào nội thành Hà Nội và tỏa đi khắp nơi.
Lần lượt quân ta tiếp quản được nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Sau khi quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội. Trong không khí hân hoan chào mừng giải phóng, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi cùng niềm vui tột cùng của quân và dân ta sau nhiều năm đấu tranh giành lại thủ đô.
Sáng ngày 10-10-1954, đoàn xe đầu tiên diễu hành do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu cùng nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự kéo theo đoàn xe.
Nhân dân chào đón cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TL
Sau đó, bộ đội ta diễu binh qua a các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… và tiến vào Cửa Đông Thành phố Hà Nội. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua Bạch Mai, phố Huế, Hồ Gươm, Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân và tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.
Cùng với những tiếng reo hò và niềm vui khôn xiết của nhân dân thủ đô, vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng trăm nghìn người dân dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
2. Ý nghĩa lịch sử
Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội có thể nói là cột mốc quan trọng khi miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột. Với nước ta, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhân dân đang làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội cũng trở thành dấu son vàng trong hành trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang của nước ta.
Ngày nay, khi nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, chúng ta vô cùng biết ơn và tự hào trước biết bao thế hệ anh hùng của dân tộc và thêm yêu đất nước, thêm yêu thủ đô. Từ đó nguyện phấn đấu ra sức rèn đức, luyện tài để góp phần xâu dựng một Hà Nội giàu mạnh, thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, xứng đáng là những cháu ngoan Bác Hồ - chủ nhân Thăng Long./.