Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, Hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ở một đất nước thuộc địa, có nhiều dân tộc. Năm 21 tuổi, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Qua gần 40 nước khắp năm châu bốn biển, Bác đã làm đủ mọi nghề để sống và tìm đường cứu nước. Chỉ bằng con đường tự học, Bác đã làm cho cả thế giới kinh ngạc về trí tuệ, sự uyên bác thông thái của Người trên mọi phương diện. Bác có thể nói được 29 ngôn ngữ, chưa kể tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhân loại biết đến Bác không chỉ là một lãnh tụ của dân tọc VIệt Nam mà còng là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ,… Bác là biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không ham danh lợi nhưng cũng rất giản dị đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng trên hết.
Ảnh tư liệu: Bác Hồ vơi nhân dân Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thương yêu và dành nhiều tình cảm chăm sóc, giáo dục thiếu niên và nhi đồng. Dù hơn 50 năm qua không còn được nhận thư Bác, song, vẫn nguyên vẹn tình yêu thương vô hạn của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam… Đối với Bác Hồ, thiếu nhi là lứa tuổi hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng chưa đủ để nhận thức nên rất cần được chăm sóc, giáo dục tốt mới trở thành công dân có ích, thế hệ gánh vác sứ mệnh đất nước sau này và theo Bác là cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho trẻ em. Bác viết:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”
Bởi vậy, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến trước lúc “đi xa”, Bác đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm giáo dục thế hệ trẻ thông qua nhiều bức thư và những bài thơ chứa chan tình thương yêu của Người. Từ năm 1950 đến 1955, vào Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) , Bác Hồ đều đặn gởi thư cho TN&NĐ cả nước; thư của Bác thường gọn, lời lẽ âu yếm, giản dị rất dễ nhớ, dễ thuộc nên dễ đi vào tâm hồn trẻ thơ. Trong thư của Bác ngoài chứa đựng tư tưởng lớn, còn là những lời chỉ bảo ân cần, dạy dỗ TN&NĐ từ việc nhỏ đến việc lớn rất cụ thể: “Ở nhà phải nghe lời bố mẹ. Đi học phải siêng năng. Đối với thầy phải kính trọng, lễ phép. Đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”; “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng, vì tự do phóng túng là không tốt”; “Phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”; “Phải thật thà, dũng cảm”; “Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ, nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”... Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc “đi xa”, Bác đã 2 lần nhắc đến thế hệ trẻ và nhắc nhở Đảng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”…
Ảnh tư liệu: Bác Hồ với thiếu nhi.
Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, thế hệ thiếu niên nhi đồng nói riêng. Chào mừng kỉ niệm 132 năm ngày sinh của Bác, tập thể CB, GV, NV trường THCS Liên Ninh quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tiếp tục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phát huy cao độn truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Các em học sinh trường THCS Liên Ninh đã, đang và sẽ luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, làm theo “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.