1.Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng kiên cường, bất khuất đã đem cả máu xương cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thế kỷ XX, lớp lớp con em ưu tú của dân tộc đã xếp bút nghiên, tạm quên hạnh phúc cá nhân lên đường làm cách mạng, kháng chiến chống quân xâm lược, làm nên những kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, giành độc lập - tự do và xây dựng đất nước. Từ thắng lợi của “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã khiến cộng đồng quốc tế ngả mũ khi giành chiến thắng trước hai đế quốc, thực dân hùng mạnh hàng đầu thế giới, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do trên toàn cầu. Hòa bình chưa lâu, cả nước lại phải bước vào hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc với chiến thắng vang dội không kém, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn anh em.
Nhưng để viết nên trang sử vàng chói lọi kể trên, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu, tô thắm cho lá cờ chiến thắng của Tổ quốc quang vinh.
2. Ghi nhận những đóng góp, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, ngay từ khi lập nước, ngày 16-2-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 20/SL về “Ưu đãi người có công. Đến ngày 17-7-1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chọn ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” - ngày để quân dân cả nước bày tỏ sự biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các hoạt động tình nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công với cách mạng trong tháng 7 hằng năm. Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
Chiến tranh đã lùi xa nhưng bóng ma của nó vẫn hiển hiện, nhất là khi tình hình địa - chính trị, kinh tế thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Cái giá của hòa bình luôn rất đắt. Nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính thì nay vẫn có người tiếp tục ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì hòa bình. Đầu năm 2022, Trung tá Đỗ Anh đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi. Ở trong nước, với truyền thống, tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ. Mới nhất là ngày 26-6-2022, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Văn Nhiên đã hy sinh khi cứu một cháu bé bị đuối nước ở Phú Quốc. Và chắc hẳn trong tâm trí chúng ta vẫn chưa thể nào quên sự hy sinh của 13 liệt sĩ trên đường đi cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) tháng 10 năm 2020 hay ký ức về 3 chiến sĩ công an hy sinh tại Đồng Tâm tháng 1 năm 2020 để giữ gìn trật tự, an ninh xã hội... Đó là chưa kể không ít cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang âm thầm đóng góp, bị thương trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm, giữ bình yên xã hội. Nối tiếp những bậc tiền nhân đã hy sinh, các thương binh, bệnh binh trong cuộc chiến vệ quốc khi xưa, nay là những người đang cống hiến nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo, đang đối đầu với hiểm nguy, những người luôn sẵn sàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, vì cuộc sống bình yên.
Xin được gửi lời tri ân thành kính tới các thế hệ đã chiến đấu vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay. Chúng ta nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh.