Đổi mới lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam những năm gần đây là việc tập trung phát triển năng lực cho người học. Thay vì việc đặt trọng tâm vào việc “học sinh sẽ học những gì”, cần đặt trọng tâm vào việc “học sinh sẽ làm được những gì”. Dạy học theo hướng phát triển năng lực là mô hình tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng của người học nhằm giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn; tạo niềm tin, niềm vui, hứng thú trong học tập. Làm cho “Học” là quá trình kiến tạo; học sinh tìm tòi, khám phá, phát hiện, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin, tự hình thành hiểu biết, năng lực và phẩm chất của mình. Chú trọng hình thành các năng lực (tự học, sáng tạo, hợp tác,…). Học để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai.
Nhằm đạt được mục tiêu dạy học, trong nhiều năm học qua, dưới sự chỉ đạo của ngành GD- ĐT Thanh Trì, trường THCS Liên Ninh đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát huy năng lực của học sinh, tạo hứng thú học tập cho các em và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Chuyên đề môn Ngữ văn: Hướng dẫn học sinh khám phá những đặc sắc văn bản truyện đặc trưng thể loại qua văn bản “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam” với tiết 60 bài 5 “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam” được thực hiện bởi cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh tại lớp 8A2 trường THCS Liên Ninh là một minh chứng cho sự thay đổi tích cực trong công tác dạy và học của nhà trường.
Toàn cảnh Chuyên đề.
Ngay từ phần mở đầu tiết học, không khí của buổi học đã tràn ngập tiếng cười, sự vui vẻ khi tất cả lớp cùng nhau hát vang bài hát “Khuôn mặt cười” vui nhộn. Khác với cách dạy truyền thống thường thấy ở môn ngữ văn là đọc chép, bước vào tiết học này, các em học sinh đã cùng nhau bước vào một hành trình khám phá vẻ đẹp của “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam” đầy thú vị để tìm hiểu ý nghĩa của tiếng cười trong đời sống sinh hoạt của ông cha ta trên chuyến xe mang tên “Hành trình cười xuyên Việt”.
Khởi động bài mới đầy niềm vui
Dưới sự điều hành của trưởng đoàn là cô giáo Mai Anh cùng với sự dẫn dắt lôi cuốn của hướng dẫn viên Quang Dũng, chuyến xe “Hành trình cười xuyên Việt” lăn bánh bắt đầu hành trình khám phá tri thức, trải qua nhiều chặng dừng chân gắn với những tên gọi đặc biệt. Mỗi chặng dừng chân của hành trình là những điều thú vị, bất ngờ được hiện ra. Đó là tài năng của các bạn học sinh khi trở thành những danh hài nhí, những diễn viên chuyên nghiệp của 3 miền đất nước tái hiện lại các tác phẩm truyện cười dân gian trong các chặng “Tiếng cười đất Bắc”, “Hội quán làng cười miền Trung – Nam”; có khi lại là những nhà sưu tầm các cuốn sách về các tác phẩm truyện cười, thậm chí còn trở thành những người sáng tác các câu chuyện cười gắn với cuộc sống hàng ngày và trong quá trình học tập của các em. Trong tiết học, các em còn được tham gia các trò chơi giúp củng cố, khắc sâu kiến thức. Tất cả đã tạo nên một tiết học sôi nổi, thoải mái, tràn ngập tiếng cười, tạo sự hứng thú, hào hứng học tập cho các em học sinh. Một tiết học hạnh phúc!
Không khí giờ học sôi nổi, vui vẻ.
Đánh giá về giờ dạy chuyên đề, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, chuyên viên PGD & ĐT huyện Thanh Trì phát biểu: Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh đã đem đến một giờ dạy với cách thức tổ chức linh hoạt, sinh động, hấp dẫn. Ở đây, học sinh không chỉ trau dồi các kiến thức, học từ cô giáo mà còn học qua các bạn mà còn giúp các em phát huy năng lực, sự chủ động, sáng tạo của mình xuyên suốt tiết học từ việc làm chủ sân khấu, thể hiện khả năng ca hát, tự tin thuyết trình, hay khả năng tự học, làm việc nhóm,…., qua đó bồi đắp cho các em thêm niềm yêu thích môn Ngữ văn. Chính vì sự yêu thích bộ môn mà trong suốt giờ học, các em học sinh tự chủ động tìm hiểu kiến thức, hình thành kĩ năng đọc – hiểu văn bản, tích cực tham gia trải nghiệm các hoạt động học một cách tự nhiên nhất. Giờ dạy của cô Mai Anh là sự kết hợp một cách có hiệu quả, hợp lý nhiều hình thức tổ chức dạy học đa dạng, phát huy năng lực của học sinh nhưng không mất đi vai trò dẫn dắt của cô giáo qua những lời bình, giảng giải và chốt, chuyển kiến thức của cô. Nhờ đó tiết học không chỉ đảm bảo mục tiêu của chương trình đổi mới mà còn giữ gìn được bản sắc, nét đặc trưng của bộ môn ngữ văn. Cũng chính vì vậy, tiết học về các tác phẩm truyện cười nhưng ta vẫn cảm thấy hay, có cảm xúc chứ không đơn thuần là sự sắp xếp một cách cơ học, máy móc các hoạt động của học sinh. Ngoài ra, hệ thống câu hỏi, một phần rất quan được coi là “xương sườn” trong quá trình giảng dạy môn ngữ văn cũng được cô giáo sử dụng hiệu quả. Cô đã kết hợp các câu hỏi trong sách giáo khoa với những câu hỏi phát huy khả năng cảm thụ thẩm mỹ của cá nhân học sinh với ngôn ngữ, hình ảnh, chi tiết trong văn bản; phát huy khả năng vận dụng vào thực tế, tự tin bộc lộ những quan điểm, suy nghĩ của bản thân thông qua các câu hỏi liên hệ với thực tiễn cuộc sống hàng ngày giúp cho môn văn trở nên gần gũi, kết nối với cuộc sống hơn; đặc biệt các câu hỏi mang tính tranh biện của cô giáo giúp học sinh hình thành khả năng lập luận, khám phá sâu những khía cạnh kiến thức. Cụ thể trong tiết dạy này, cô giáo đã khéo léo đưa ra cho học sinh một bài học về nụ cười: “một nụ cười là mười thang thuốc bổ” có thể xua tan mọi đau buồn, hàn gắn mọi vết thương, làm dịu nỗi cô đơn, mang mọi người đến gần nhau hơn, hoàn thiện mình hơn. Dù cho trong những hoàn cảnh khó khăn hãy giữ nụ cười lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên, nụ cười chỉ có ý nghĩa khi chúng ta thể hiện phù hợp, đúng hoàn cảnh. Nếu nụ cười không được thể hiện phù hợp với hoàn cảnh có thể trở nên vô duyên, thiếu tế nhị, gây tổn thương cho người khác. Vì vậy, hãy nở nụ cười sao cho phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ để cuộc sống vui hơn, ý nghĩa hơn. Đồng chí Kim Thoa khẳng định: ngoài sự hợp lý, tự nhiên, hiệu quả thì sự sáng tạo cũng là một yếu tố tạo nên sự thành công của giờ dạy này. Điều đó được thể hiện từ ý tưởng, cách trình bày bảng đến tổ chức các hoạt động dạy học mới mẻ.
Các tổ chức các hoạt động dạy học hớp lý, hiệu quả, sáng tạo và rất tự nhiên.
Chuyên đề được đánh giá rất thành công, đặc biệt là đảm bảo đúng mục tiêu chương trình giáo dục, mục tiêu tiết học, vừa phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Điều đó có được chính là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư nghiên cứu của không chỉ giáo viên dạy mà còn cả sự vào cuộc của cả tổ, nhóm chuyên môn Văn - GDCD trường THCS Liên Ninh đã cùng nhau xây dựng, đưa ra cách tổ chức một giờ dạy hợp lí, hiệu quả, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tổ.
Sự thành công của chuyên đề cũng đã khẳng định trình độ chuyên môn vững vàng của tổ Văn – GDCD của trường THCS Liên Ninh, một tổ chuyên môn luôn đạt được nhiều thành tích cao không chỉ của giáo viên mà còn có thành tích của các em học sinh trong các kì thi học sinh giỏi các cấp, học sinh năng khiếu cấp huyện. Trong nhiều năm qua, chất lượng giảng dạy bộ môn của tổ luôn đứng trong tốp đầu của huyện Thanh Trì, góp phần không nhỏ vào vườn hoa thành tích của nhà trường. Hy vọng rằng các thầy cô giáo trong tổ sẽ tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn của mình để đem đến những giờ học bổ ích, hứng thú cho các em học sinh.
Xin chúc mừng sự thành công của chuyên đề và tổ Văn – GDCD trường THCS Liên Ninh!
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh
Các vị đại biểu, các thầy cô giáo tham dự chuyên đề
Các thầy cô giáo trường THCS Bê Tông (Chương Mỹ - Hà Nội) tham dự chuyên đề
Đại diện các cô giáo tổ Văn - GDCD trường THCS Liên Ninh