Tiếng Anh là một ngôn ngữ Quốc tế có tính thông dụng và là một công cụ giao tiếp thiết yếu trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Thời đại toàn cầu hóa, nhu cầu giao tiếp giữa mọi người thuộc mọi quốc gia là bắt buộc. Do vậy, môn học Tiếng Anh trong các nhà trường phổ thông là cần thiết và cấp bách, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận, mở rộng hiểu biết với nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Được sự phân công của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, trường THCS Liên Ninh đã tổ chức chuyên đề cấp huyện môn Tiếng Anh qua giờ dạy của cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh tại lớp 7A2 với chủ đề “Ứng dụng phần mềm pickers, padlet qua giờ học dậy kỹ năng nghe, viết và tích hợp giáo dục kiến thức đất nước học và tình yêu quê hương đất nước”.
Toàn cảnh chuyên đề.
Với bài học “Festivals around the world”, chủ đề các lễ hội trên thế giới, ngay khi mở đầu tiết học, các bạn học sinh đã đem đến một không khí sôi động của một trong những lễ hội truyền thống của Việt Nam - Lễ hội Trung thu với tiếng trống rộn ràng cùng màn múa lân vui nhộn chào đón các thầy cô giáo tới dự chuyên đề. Cô giáo Lan Anh bước vào lớp với vai trò là một cô giáo người Mỹ đến thăm Việt Nam, ngỡ ngàng khi được tham dự không khí của một lễ hội của Việt Nam. Tiếp đó cô đã hào hứng giới thiệu về một trong những lễ hội của đất nước cô – Lễ Tạ ơn giúp học sinh bước vào bài học một cách tự nhiên, đầy hào hứng.
Thông qua việc thiết kế bài dạy với nhiều hoạt động vui nhộn, cùng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát và biểu cảm ngôn ngữ, cô Nguyễn Thị Lan Anh đã dẫn dắt học sinh tiếp thu bài học một cách sinh động, từng bước khắc sâu kiến thức một cách sáng tạo. Học sinh được rèn luyện các kỹ năng Nghe – Nói – Viết; tham gia các hoạt động trong lớp học như: cá nhân, thảo luận nhóm giúp phát huy khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề của các em ngay trong lớp. Không khí trong giờ học sôi nổi đã tạo tâm lý hứng thú cho các em.
Học sinh tích cực tham gia các hoạt động dạy học.
Chỉ trong vòng 45 phút, bài dạy đã gây được ấn tượng tốt với các thầy cô giáo tham dự bởi khâu chuẩn bị chu đáo, áp dụng được nhiều kĩ thuật trong giảng dạy. Đáng chú ý nhất là các nhóm học sinh được hoạt động sôi nổi, cùng nhau trải nghiệm những hoạt động học tập thú vị. Trong suốt buổi học, các em tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi và tương tác ngôn ngữ khá nhuần nhuyễn với giáo viên. Các em học sinh đã trở thành những sứ giả nhí đem văn hóa truyền thống của Việt Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế.
Những sứ giả nhí giới thiệu về lễ hội truyền thống của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhờ phát huy tối đa vai trò của công nghệ thông tin trong hỗ trợ dạy học như việc sử dụng các phần mềm dạy học như Padlet, Plicker; tận dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại được đầu tư tại nhà trường, học sinh vô cùng thích thú khi tham gia các hoạt động học và nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao. Đây thật sự là những công cụ hỗ trợ rất tốt việc tổ chức dạy học của giáo viên, đồng thời tạo sự hứng thú cho học sinh.
Sử dụng thành thạo công nghệ và các phần mềm dạy học trong tiết học của cô trò 7A2.
Trong phần sinh hoạt cuối chuyên đề, các thầy cô giáo đã cùng cô giáo Lê Phi Nga, Nguyễn Thị Kim Thoa phân tích nội dung bài giảng, tính hiệu quả của phương pháp giảng dạy, cũng như góp ý một cách thẳng thắn, chân thành và cởi mở để giờ học thêm hiệu quả.
Cô giáo Lê Phi Nga đánh giá cao về sự chuẩn bị về nội dung của bài dạy phù hợp, đảm bảo kiến thức, phương pháp giảng dạy đúng đặc trưng bộ môn, sự tự tin, linh hoạt và tác phong sư phạm của cô giáo. Tiết dạy đã đi đúng hướng chỉ đạo chuyên môn theo định hướng đổi mới của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì và BGH nhà trường trong năm học 2022 – 2023; thể hiện được đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; Phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định: tiết học đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy kĩ năng nghe và viết; liên hệ nội dung bài học với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ GD&ĐT, tích hợp giáo dục kiến thức đất nước học và tình yêu quê hương đất nước, giúp học sinh vận dụng kiến thức thực tế để giao tiếp và học tập một cách tự tin. Cô tin tưởng cô giáo Lan Anh và các thầy cô giáo trẻ trong huyện với sức trẻ, sự sáng tạo của mình sẽ là đội ngũ giáo viên kế cận giúp nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh của ngành giáo dục huyện Thanh Trì.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, của BGH nhà trường cùng với sự đoàn kết trong tổ, nhóm chuyên môn, chuyên đề Tiếng Anh đã thành công tốt đẹp. Mong rằng chuyên đề đã mang lại những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho các giáo viên tham dự, thúc đẩy hoạt động giao lưu học tập, trao đổi chuyên môn giữa giáo viên tiếng Anh của huyện Thanh Trì, góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục huyện./.