Ngay khi Phòng Giáo dục huyện triển khai Hội thi, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo và tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường với sự hưởng ứng nhiệt tình của tập thể giáo viên trong nhà trường. Từ đó, Hội thi đã lựa chọn ra các thầy cô giáo đại diện nhà trường tham dự Hội thi cấp huyện. Đó là đ/c Nguyễn Thị Phương giảng dạy môn Ngữ văn, đ/c Đào Thị Hoàng Ly dạy môn Hóa học, đ/c Nguyễn Văn Phong dạy môn Lịch sử.
Hội thi gồm có 2 phần: Thi thực hành giảng dạy và Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.
Ngày 11/2/2023, ngay sau khi dự lễ Khai mạc tại trường THCS Đại Áng, các đồng chí đã tham dự phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy mà các đ/c đã sử dụng để giảng dạy lớp mình. Tại đây, đ/c Phương đã đưa ra biện pháp “Phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS qua giờ dạy thực hành Tiếng Việt”, đ/c Phong đem đến Hội thi các biện pháp "Phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh qua tích hợp liên môn trong dạy học lịch sử 9", đ/c Ly với biện pháp “Sử dụng Game Based Learning trong dạy học bộ môn Hóa học nhằm phát triển năng lực tự học của học sinh”.
Phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy tại Hội thi của
cô giáo Nguyễn Thị Phương, thầy Nguyễn Văn Phong và cô Đào Thị Hoàng Ly.
Ngày 20/2/2023, các thầy cô giáo tiếp tục thực hiện phần thi thực hành giảng dạy một tiết học theo kế hoạch giảng dạy tại trường. Mặc dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, sự giúp đỡ nhiệt tình của tổ nhóm chuyên môn và với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực hết mình, các thầy cô giáo đã đem đến những giờ học thể hiện sự đầu tư trong bài soạn, chuẩn bị đồ dùng, tác phong sư phạm, đảm bảo giáo dục toàn diện. Các bài học cũ nhưng sử dụng linh hoạt, khéo léo, nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học mới, hiện đại theo quan điểm dạy học phát huy phẩn chất và năng lực của học sinh như: kĩ thuật sơ đồ tư duy, khăn trải bàn, kĩ thuật “Các mảnh ghép”, chia nhóm, chia công đoạn, giao nhiệm vụ, đặt câu hỏi,… Đặc biệt các thầy cô đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy.
Học sinh tự tin thuyết trình, sử dụng tốt công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, ở mỗi một môn học, các hoạt động được thiết kế phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng môn học đó, phù hợp với tâm lý lứa tuổi gắn với thực tế, đời sống xung quanh của học sinh. Nhờ đó đã tạo nên những giờ học bất ngờ, lý thú, mang bản sắc của môn học, của cá nhân các thầy cô, nhà trường, tạo cho học sinh không khí học tập vui vẻ, thoải mái nhưng cũng rất hiệu quả đồng thời gây ấn tượng đối với Ban Giám khảo.
Không khí học tập sôi nổi, vui vẻ.
Với tiết dạy bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Viễn Phương, cô giáo Nguyễn Thị Phương đã đem đến một giờ học nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sôi nổi với không gian lớp học tràn ngập sắc màu mùa xuân đúng như không khí của bài học. Áp dụng kĩ thuật Think-Pair-Share, các em học sinh được luyện tập kỹ năng suy nghĩ độc lập, bày tỏ những cảm thụ riêng về những câu thơ, trao đổi ý kiến theo cặp tạo nên cuộc thảo luận nhanh rồi tự tin trình bày cảm nhận. Không khí lớp học nhờ đó cũng thay đổi, lôi cuốn các em vào nội dung bài. Kĩ thuật dạy học này được cô Phương thường xuyên áp dụng trong các giờ dạy, vì thế học sinh đã được rèn luyện sự tích cực, sáng tạo trong học văn và tránh xa lối văn mẫu. Video “Bốn ngàn năm mùa xuân đất Việt” do các bạn học sinh dàn dựng và trình bày đã tạo nên điểm nhấn, sự lắng đọng trong tiết học, qua đó các em tự ý thức bản thân cần làm gì để góp phần tô thắm cho mùa xuân quê hương, để trở thành “một nốt trầm xao xuyến” “tan biến” trong bản “hòa ca” của đất nước.
Các hoạt động trong tiết học dự thi môn ngữ văn của cô giáo Nguyễn Thị Phương.
Đến với tiết học môn Lịch sử của thầy giáo Nguyễn Văn Phong, các em học sinh lại được sống trong những âm thanh rộn rã, hào hùng của những ngày tháng không thể quên của dân tộc qua giai điệu của bài hát “Mười chín tháng tám” trong bài học “Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Học sinh thực sự hạnh phúc khi được hòa mình vào không gian lớp học rực rỡ cờ hoa và trải nghiệm những phương pháp học tập mới. Các em được đi thực tế tham quan các di tích lịch sử, các danh thắng ở Hà Nội gắn liền với những sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc, quay video, làm hướng dẫn viên giới thiệu về các di tích; được nhập vai, hóa thân vào chính các nhân vật trong lịch sử,… Bên cạnh đó, mô hình lăng Bác và quảng trường Ba Đình do các em học sinh tự làm từ những vật liệu gần gũi cũng tạo ấn tượng tốt đẹp với các thầy cô tham dự tiết học. Việc kết hợp khéo léo các kĩ thuật, phương pháp dạy học, nhất là tích hợp liên môn của thầy Phong với âm nhạc, điệu múa, hoạt cảnh,… đã tạo nên một giờ học sôi nổi đúng như không khí sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Các hoạt động trong tiết dạy dự thi môn Lịch sử của thầy giáo Nguyễn Văn Phong.
Khác với không gian lớp học đầy màu sắc của môn Ngữ văn, Lịch sử, lớp học của cô giáo Đào Thị Hoàng Ly tràn ngập màu xanh của cây lá. Trong bài học “Bài luyện tập số 5”, cô đã đem đến nhiều điều thú vị, bất ngờ khác hẳn với sự khô khan, cứng nhắc, nhàm chán thường thấy ở tiết học luyện tập của môn Hóa học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ly, các bạn học sinh đã thiết kế trò chơi “Cuộc đua kì thú” trên nền tảng trò chơi Minecraft, một trò chơi đang được rất nhiều các bạn học sinh ưa thích sau mỗi giờ học căng thẳng. Cùng với phần bình luận kịch tính, giàu cảm xúc của các bạn chủ trò, trò chơi đã tạo nên một không khí sôi động, gay cấn ngay phần mở đầu bài học. Học sinh rất hứng khởi vừa tham gia trò chơi yêu thích vừa ôn lại kiến thức đã học. Đây chính là minh chứng sinh động giờ học áp dụng biện pháp mà cô giáo Hoàng Ly báo cáo ở phần thi thứ nhất. Các em học sinh cũng được dịp trở thành những nhà phân tích, nhà thông thái, nhà hóa học thực hành thí nghiệm, tự mình viết lại lời bài hát “Vai trò của Oxi”,… Tiết học cũng cho thấy sự thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin của cô giáo và các bạn học sinh lớp 8A1.
Các hoạt động trong tiết dạy dự thi môn Hóa học của cô giáo Đào Thị Hoàng Ly.
Kết quả tại hội thi, thầy giáo Nguyễn Văn Phong và cô giáo Nguyễn Thị Phương đã đạt giải Nhì, đặc biệt, cô giáo Đào Thị Hoàng Ly đạt giải Xuất sắc và sẽ đại diện cho huyện Thanh Trì dự thi GVDG cấp Thành phố môn Hóa học. Đây thật sự là kết quả rất bất ngờ nhưng cũng rất xứng đáng với sự chuẩn bị một cách chu đáo, sự nỗ lực hết mình của các thầy giáo, cô giáo và những giờ giảng dự thi đầy tự tin, sáng tạo. Hy vọng với thành tích này sẽ trở thành động lực để các thầy cô giáo nhà trường sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy để đem đến những giờ học bổ ích, phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh theo tinh thần NQ số 29 về đổi mới căn bản toàn diện GDĐT./.