Mô hình giáo dục STEM ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên tại nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước. Xác định giáo dục STEM, trải nghiệm giúp thay đổi phương pháp dạy học từ lối truyền thụ kiến thức một chiều mang nặng tính hàn lâm sang cách dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh, truyền cảm hứng trong học tập; đồng thời giáo dục STEM, trải nghiệm còn làm đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh; khích lệ học sinh tự học, tự nghiên cứu, đam mê với khoa học cho nên ngay từ khi Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì triển khai áp dụng giáo dục STEAM vào giảng dạy, trường THCS Liên Ninh đã tích cực tham gia các buổi tập huấn do Sở, Phòng GD tổ chức, triển khai các tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy có lồng ghép các hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm tích hợp trong các bài học ở đa số các bộ môn. Với những môn “khó nhằn” như Hóa học, giảng dạy STEM là vô cùng cần thiết bởi nó đề cao tính thực tiễn, giúp học sinh tiếp thu được kiến thức một cách tự nhiên. Vì thế, chuyên đề bộ môn Hóa học được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp áp dụng STEM trong dạy Hóa học và môn Khoa học tự nhiên nói riêng, các bộ môn học khác nói chung để đạt được hiệu quả, qua đó giúp học sinh phát huy được năng lực khả năng tư duy và sáng tạo của bản thân.
Chuyên đề có nội dung “Vận dụng giảng dạy STEM trong các tiết học môn Hóa học” được thực hiện bởi cô giáo Ngô Thu Hiền với bài học minh họa “Tính chất vật lí của kim loại” tại lớp 9A2 trường THCS Liên Ninh.
Toàn cảnh giờ học.
Mở đầu tiết học, nhằm tạo tâm thế hứng khởi cho học sinh muốn tìm hiểu về tính chất vật lí của kim loại, học sinh đã tham gia trò chơi “Mảnh ghép” do các bạn HS nhóm 1 của lớp chuẩn bị gồm 04 câu hỏi nhỏ. Trả lời 4 câu hỏi nhỏ, học sinh đã nhận được những lời khen ngợi, những ngôi sao khi mở được bức tranh chìa khóa: Bức tranh Văn miếu – Quốc tử giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, được mạ bằng kim loại đồng.
Phần mở đầu bài dạy đầy hứng khởi.
Bước vào hoạt động hình thành kiến thức mới, cô giáo Ngô Thu Hiền đã áp dụng STEAM một cách hợp lí, kết hợp khéo léo giữa lý thuyết với thực hành trong tiến trình bài dạy. Trong giờ học trước, các nhóm được cô giao nhiệm vụ thực hiện các dự án. Nhóm 1, 2 trình bày dự án “Tớ là chuyên gia nghệ thuật” đã đem đến những hình ảnh sinh động về tính dẻo của kim loại. Ứng dụng tính dẻo của kim loại, với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của mình, các nhóm đã thiết kế các sản phẩm từ các nguyên liệu cho sẵn, những vật dụng tưởng chừng như không còn tác dụng nữa. Đó là bó hoa nhiều màu sắc được làm từ giấy nhún và dây thép uốn làm cành, là những tấm thiệp độc đáo được trang trí từ như vỏ lon nước, ống hút,… Nhóm 3, 4 với dự án “Tớ là chuyên gia khoa học” mang đến thí nghiệm pin chanh cho thấy tính dẫn điện của kim loại. Cùng với sự hướng dẫn của cô giáo và nhóm chuyên gia, các nhóm đã trực tiếp thực hiện thí nghiệm ngay tại lớp để tìm hiểu các tính chất dẫn nhiệt, ánh kim của kim loại. Sau đó các nhóm tiến hành đánh giá dự án chéo dựa trên những tiêu chí mà cô giáo đưa ra theo link Padlet.
Bài dạy được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, sinh động.
Để củng cố luyện tập hệ thống kiến thức bài học, học sinh đã tham gia trò chơi “Thử tài hiểu biết” do nhóm 4 chuẩn bị thông qua việc sử dụng phần mềm Plickers theo hình thức trắc nghiệm trong lớp học. Với sự phát huy tối đa vai trò của công nghệ trong hỗ trợ dạy học, các học sinh đều vô cùng thích thú, hào hứng tham gia và nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao. Cuối tiết học, các em đã đồng thanh đọc bài Vè về kim loại để giúp ghi nhớ bài học tốt hơn.
Phần củng cố bài học với hình thức tổ chức đa dạng giúp học sinh ghi nhớ kiến thức đã học được.
Trong giờ học, học sinh luôn chủ động, tích cực trong quá trình thảo luận, nhận xét, góp ý cho nhóm bạn, thực hiện các thao tác thí nghiệm một cách thuần thục và tự tin, sáng tạo khi báo cáo sản phẩm học tập của nhóm mình tạo cho giờ học không khí học tập thoải mái, sôi nổi.
Đánh giá về giờ dạy chuyên đề, đồng chí Nguyễn Thị Hảo phát biểu: Nội dung bài dạy đã được vận dụng STEAM một cách hợp lí nhưng không làm mất đi đặc trưng của bộ môn Hóa học. Cô giáo Ngô Thu Hiền đã đem đến một giờ dạy với cách thức tổ chức linh hoạt, sinh động, hấp dẫn. Ở đây, học sinh không chỉ trau dồi các kiến thức mà còn giúp các em có thể áp dụng vào thực tế, phát huy các năng lực như: chủ động khám phá kiến thức, năng lực làm việc nhóm, năng lực ngôn ngữ… qua đó bồi đắp cho các em thêm niềm yêu thích môn Hóa học. Xuyên suốt giờ học, học sinh đã tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động của nghiên cứu khoa học, chủ động tìm hiểu kiến thức, trực tiếp làm thí nghiệm hóa học,…từ đó học sinh tiếp thu được kiến thức liên quan đến hóa học, hình thành kĩ năng thực hành hóa học một cách tự nhiên nhất. Giờ dạy là sự tổng hợp nhiều hình thức tổ chức các hoạt động đa dạng. Đ/c khẳng định thành công của giờ dạy này chính là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư nghiên cứu của không chỉ giáo viên dạy mà còn cả sự vào cuộc của cả tổ, nhóm chuyên môn Hóa học, Khoa học Tự nhiên trường THCS Liên Ninh đã cùng nhau xây dựng, đưa ra cách tổ chức một giờ dạy hợp lí, hiệu quả.
Đ/c Nguyễn Thị Hảo phát biểu tại chuyên đề.
Học sinh được trực tiếp thực hành nhiều thí nghiệm hóa học.
Đặc biệt giờ học có sự sáng tạo khi sử dụng phần mềm dạy học khá mới mẻ: phần mềm Plickers – một công cụ giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra bài cũ theo hình thức trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả và thú vị. Chỉ cần giáo viên có điện thoại thông minh và lớp học có máy tính kết nối mạng Internet, mỗi học sinh được phát một thẻ in trên giấy. Đây thật sự là một hình thức rất đáng để học tập, chia sẻ để sử dụng rộng rãi tại các trường học trên địa bàn huyện.
Sử dụng phần mềm Plickers để kiểm tra kiến thức theo hình thức trắc nghiệm.
Cũng theo đánh giá của các thầy cô giáo tham dự chuyên đề, một thành công khác của giờ học, ngoài việc vận dụng STEAM, cô Hiền đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giờ học, tận dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại được đầu tư tại nhà trường. Đó chính là công cụ hỗ trợ tốt nhất việc tổ chức dạy học của giáo viên, đồng thời tạo sự hứng thú cho học sinh.
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, thiết bị dạy học hiện đại trong giờ học.
Chuyên đề được đánh giá rất thành công, đặc biệt là đảm bảo đúng mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh và tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học. Hy vọng STEAM sẽ được áp dụng rộng rãi hơn không chỉ trong môn Hóa học mà còn ở các môn học khác để các môn học sẽ trở nên thú vị và dễ hiểu hơn. Đồng thời cần lồng ghép khéo léo lý thuyết và thực hành để học sinh có thể vận dụng các kiến thức học được vào thực tế. Qua đó khiến những môn học tưởng như khô khan trở nên gần gũi và tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Giờ học diễn ra sôi nổi, đầy hứng khởi.