Rèn luyện kỹ năng sống là năng lực tâm lý xã hội, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Bên cạnh đó, rèn luyện kỹ năng sống còn rèn luyện khả năng phân tích tình huống và ứng xử một cách hợp lý. Ngoài ra, đó còn là khả năng làm cho hành vi và sự thay đổi của bản thân phù hợp với cách ứng xử tích cực, giúp kiểm soát, quản lý có hiệu quả các nhu cầu và những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, các em nên biết những kỹ năng cơ bản như: Tự bảo vệ và chăm sóc bản thân, quản lý cảm xúc, làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, giao tiếp ứng xử,… Trong đó, tự bảo vệ và chăm sóc bản than được xem là kỹ năng sống quan trọng hàng đầu đối với học sinh ở độ tuổi trung học cơ sở vì nó sẽ giúp trẻ tự lập và trưởng thành hơn. Đối với kỹ năng này, đầu tiên đòi hỏi trẻ phải có những nhận thức đúng về bản thân mình, có thể tự thực hiện những công việc sinh hoạt hằng ngày như: vệ sinh cá nhân, lựa chọn trang phục phù hợp, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Ở một mức độ cao hơn, trẻ cũng cần được dạy những phương pháp tự vệ khi gặp kẻ xấu, bị lạm dụng, bắt cóc,… để ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Đại diện cha mẹ học sinh đến tham dự buổi học.
Vì vậy, ngoài kỹ năng làm chủ cảm xúc mà các em đã được học tại chương trình trước, trường THCS Liên Ninh đã lựa chọn kỹ năng tự bảo vệ làm nội dung cho buổi học tiếp theo này. Tham gia giảng dạy là các thầy cô giáo đến từ Trung tâm giáo dục kỹ năng sống GAIA. Với nhiều kinh nghiệm giảng dạy về kỹ năng sống, các thầy cô đã truyền tải kỹ năng tự phục vụ và bảo vệ bản thân tới các em học sinh qua nhiều hình thức khác nhau, tạo nên sự hứng thú trong suốt buổi học.
Các em học sinh hứng thú khi tham gia các hoạt động của buổi học.
Hoạt cảnh “Người lái đò” giúp các em hiểu được việc nắm vững các kỹ năng sinh tồn mới là điều quan trong nhất giúp chúng ta tồn tại, sống sót trong các hoàn cảnh khắc nghiệt và “không phí cả một cuộc đời” như trong lời thoại hoạt cảnh chứ không phải là những kiến thức lý thuyết uyên bác.
Hoạt cảnh “Người lái đò”
Trong buổi học, các em cũng đã tìm hiểu được các điểm yếu trên cơ thể mỗi người thông qua trò chơi “Gót chân Achilles” (hay còn gọi là gót chân Asin). Bên cạnh đó các em còn tham gia giải quyết tình huống khi bản thân gặp phải những tình huống khẩn cấp, trực tiếp được xem các thầy cô hướng dẫn những kỹ năng tự bảo vệ mình khi bị tấn công, xâm hại.
Trò chơi “Gót chân Achilles”
Cuối cùng là câu chuyện về “Đôi bàn tay” với nhiều cảm xúc lắng đọng. Câu chuyện đã giúp các em cảm thấy yêu quý bản thân mình hơn, đặc biệt là biết yêu thương, biết ơn đôi bàn tay của cha mẹ, những đôi bàn tay có thể bị chai sạn, thô cứng, nhăn nheo, hay nhuộm màu bùn đất. Nhưng chính đôi bàn tay ấy đã nâng niu chúng ta, sẵn sàng làm mọi việc để cho chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, các em tự nhận thức phải biết, tự lập, làm những việc tự phục vụ chính mình và giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn.
Câu chuyện về “Đôi bàn tay” với nhiều cảm xúc lắng đọng.
Hy vọng thông qua buổi học này, các em học sinh đã trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho bản than, giúp các em tự tin trong cuộc sống, thành công trong học tập.