Đọc sách được ví là một trong những “con đường” nhanh nhất để mỗi người tiếp cận với thông tin, văn hóa và tri thức. Duy trì thói quen đọc sách và xây dựng được văn hóa đọc không chỉ giúp chúng ta nâng tầm hiểu biết mà còn góp phần hoàn thiện kỹ năng, nhân cách con người. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, không ít người ưu tiên tìm kiếm thông tin trên các thiết bị hiện đại như máy vi tính, điện thoại thông minh... Để văn hóa đọc truyền thống không bị “lép vế” đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhằm đưa văn hóa đọc bắt nhịp với xu thế trong thời đại 4.0.
Thực hiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024”, Công văn của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì về việc triển khai “Giờ đọc sách toàn huyện” vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần thực hiện Kế hoạch năm học 2024-2025, trường THCS Liên Ninh đã triển khai “Giờ đọc sách” tới tất cả các lớp. Các thầy cô chủ nhiệm đã chuyển đường link bài đọc đến cho học sinh và PHHS. Các em học sinh đọc câu chuyện và viết bài cảm nhận của bản thân về nội dung câu chuyện, thông điệp, những điều mình tâm đắc...sau khi đọc sách.
Sau hơn 1 tuần thực hiện, hoạt động trên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em học sinh; sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Đã có rất nhiều bài viết hay, cảm nhận sâu sắc, chứa đựng những cảm xúc sâu lắng của các em học sinh các lớp về những câu chuyện mà các em đã đọc được các thầy cô giáo giảng dạy môn Văn khen ngợi. Trong đó,bài của bạn Dương Khánh Hà, lớp 9A1 là bài viết tiêu biểu nhất
Có thể thấy, đây là một hình thức mới mẻ, thiết thực nhằm lan toả văn hoá đọc sâu rộng tới tất cả các em học sinh và cả các bậc phụ huynh. Từ đó cũng giúp các em tăng cường khả năng đọc hiểu và viết cảm nhận, phục vụ cho việc học tốt môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018
Hy vọng với sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, bằng các hình thức đa dạng, phong phú và đổi mới, văn hoá đọc sẽ thực sự lan toả và trở thành thói quen để giúp các em học sinh nâng cao kiến thức, rèn luyện tư duy và kỹ năng cho bản thân.