Lịch sử là một môn học mang tính nhân văn có vị trí quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách của học sinh, không những giúp con người hiểu biết về quá khứ, kết nối với hiện tại mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Thông qua bộ môn sẽ giúp học sinh thấy được quá trình phát triển của một đất nước, một dân tộc mà rộng hơn là cả một xã hội loài người. Qua đó các em hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có lòng tự hào về non sông đất nước. Đồng thời từ đó, các em có những biểu hiện đúng đắn đối với quá trình học tập, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong những năm gần đây, vấn đề dạy và học Lịch sử đang thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội với nhiều câu hỏi được đặt ra đòi hỏi phải tìm ra hướng giải quyết như: Vì sao học sinh không thích học Sử? Làm thế nào để khơi dậy hứng thú học tập môn Lịch sử của học sinh? Làm thế nào để biến những số liệu, sự kiện lịch sử khô khan trở nên sinh động gần gũi và vận dụng kiến thức lịch sử rút ra bài học trong cuộc sống? Để làm được điều này cả người dạy và người học phải thay đổi tư duy nhận thức đối với môn Sử.
Chính vì điều đó, được sự phân công của phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, cùng với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với các trường bạn trong huyện, trường THCS Liên Ninh đã tổ chức chuyên đề cấp huyện phân môn Lịch sử lớp 6. Chuyên đề có nội dung “Dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh trong môn Lịch sử 6” được thực hiện bởi cô giáo Đặng Thanh Loan với bài học minh họa “Nhà nước Văn Lang, Âu lạc” tại lớp 6A1 trường THCS Liên Ninh.
Quang cảnh chuyên đề.
TS. Phạm Thị Thanh Huyền, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Mở đầu tiết học, các em học sinh đã được xem đoạn trích trong truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” do các bạn nhóm 1 đóng vai. Với kĩ thuật dạy học“See – Think – Wonder”, phần mở đầu bài học đã đem lại đến sự hứng khởi, thích thú cho các em học sinh muốn tìm hiểu rõ hơn về nhà nước Văn Lang xưa.
Mở đầu tiết học đầy hứng khởi với kịch "Con Rồng cháu Tiên"
Bước vào hoạt động hình thành kiến thức mới, với phương châm “Học sinh là trung tâm”, cô giáo Đặng Thanh Loan đã hướng dẫn học sinh tự giác, chủ động lĩnh hội, cập nhật kiến thức thông qua các hoạt động học tập: giải quyết vấn đề, nêu vấn đề, thuyết trình, thảo luận nhóm,… kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt các em còn được thử sức mình trong vai là phóng viên truyền hình, quay trở về thế kỉ thứ VII TCN phỏng vấn vua Hùng để tìm hiểu rõ hơn về cách mà nhà vua tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang giúp vua cai trị đất nước. Không những thế, các bạn nhóm 3 đã làm một bài vè rất thú vị về bộ máy nhà nước Văn Lang gây ấn tượng và sự thích thú đối với các thầy cô giáo tham dự chuyên đề. Với cách làm này, các em đã có những phần trình bày tự tin và sôi nổi vì bản thân vừa được tự tìm hiểu tri thức, lại vừa được rèn kỹ năng nói trước tập thể.
Học sinh được tham gia nhiều hoạt động chủ động tìm hiểu kiến thức.
Sau đó, để khắc sâu kiến thức, các em học sinh đã được tham gia trò chơi “Nhà sử học thông thái” thu hút sự tham gia nhiệt tình của cả lớp. Trả lời đúng câu hỏi và may mắn, các bạn đã nhận được những món quà đặc biệt liên quan đến nhà nước Văn Lang. Ở phần vận dụng, học sinh được làm hướng dẫn viên du lịch với phóng sự “Hành trình về cội – Kinh đô Phong Châu” giới thiệu về khu di tích quốc gia Đền Hùng. Hy vọng sẽ có dịp các em sẽ được đến Đền Hùng để tận mắt thấy được nơi nhà nước Văn Lang ra đời.
Trò chơi “Nhà sử học thông thái”.
Phóng sự “Hành trình về cội – Kinh đô Phong Châu”.
Đánh giá về giờ dạy chuyên đề, TS Huyền phát biểu: Chuyên đề được thực hiện rất thành công. Điều đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cũng như sự chuẩn bị rất chu đáo của trường THCS Liên Ninh, tổ Sử - Địa và cô giáo Đặng Thị Loan đã cho thấy sự chỉn chu về chuyên môn và thái độ nghiêm túc, cầu thị. Giáo án điện tử với nhiều hình ảnh, đoạn phim phục vụ thiết thực cho bài dạy thể hiện sự đầu tư công phu. Cô cũng rất ấn tượng với không gian lớp học đầy không khí lịch sử tại đây. Thầy giáo Đào Mỹ Trung, Phó Hiệu trưởng trường THCS Đại Áng, một thầy giáo có chuyên môn vững và tâm huyết với bộ môn Lịch sử của huyện nhận xét: Cô giáo đã đi theo đúng hướng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho HS, thay vì chú trọng việc “Học sinh học được gì?” chuyển thành “Học sinh làm được những gì?”. Trong tiết dạy, cô giáo đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức, lớp học đã được sân khấu hóa, trong đó có hoạt động thảo luận nhóm, đóng vai giúp học sinh chủ động, tích cực tìm hiểu các kiến thức cơ bản, đảm bảo mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của bài. Đồng thời tạo cho tiết học được diễn ra một cách thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhàng, không gò bó, không áp lực.
Không gian lớp học mang đậm không khí lịch sử.
Tiết học diễn ra một cách thoải mái, vui vẻ.
Tại đây, các thầy cô giáo dạy Lịch sử của huyện cũng được nghe hướng dẫn của TS. Phạm Thị Thanh Huyền về chủ đề: “Dạy học lịch sử 6 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”. Trong buổi tập huấn này, TS. Huyền đã giúp các thầy cô giáo tìm hiểu về nguyên tắc, mục tiêu, phương thức thực hiện dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực. Đặc biệt, thông qua chính kế hoạch bài dạy của chuyên đề này, TS Huyền đã hướng dẫn cách thức để xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển năng lực, giải đáp những thắc mắc về kiến thức cũng như chỉnh sửa chi tiết chưa hợp lí khi giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy. Bên cạnh đó, TS cũng đưa ra gợi ý sử dụng một số phương pháp dạy lịch sử 6 như: dạy học dự án, dạy học nêu vấn đề, dạy học hợp tác, dạy học khám phá,...
TS. Phạm Thị Thanh Huyền tập huấn chuyên môn với chủ đề: “Dạy học lịch sử 6 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”.
Qua buổi chuyên đề và tập huấn chuyên môn này, các thầy cô giáo đã có thêm rất nhiều kiến thức hữu ích trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử 6 và Lịch sử cấp THCS. Nói về cảm xúc khi thực hiện tập huấn chuyên môn tại huyện Thanh Trì, TS Huyền chia sẻ: Mặc dù thời tiết mưa và gió rét nhưng không làm ảnh hưởng đến không khí của buổi sinh hoạt chuyên môn. Các thầy cô giáo đã đem một không khí ấm áp, thân thiện, gần gũi và sự chia sẻ, trao đổi rất sôi nổi. Sự kết hợp giữa việc thực hiện chuyên đề và tập huấn chuyên môn là một hình thức thiết thực để giáo viên cũng như các chuyên viên đánh giá việc triển khai kế hoạch dạy học trên một tiết học thực tế cụ thể, sinh động. Đồng thời cô cũng bày tỏ sự tin tưởng với cách thức tổ chức dạy học, điều kiện cơ sở vật chất như hiện tại, chắc chắn các em học sinh sẽ không còn thấy sợ môn Lịch sử nữa mà sẽ ngày càng yêu thích môn học này hơn.
Đồng chí Phạm Thúy Nhung, chuyên viên PGD và Đào tạo huyện Thanh Trì chúc mừng thành công của chuyên đề.